ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN THANH XUÂN
Số: /KH-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Xuân, ngày tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
Tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau dịch bệnh COVID-19
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Công văn số 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học; Công văn số 1467/ BGDĐT-GDTC ngày 28/4/2020 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; Công văn số …/SGDĐT ngày /4/2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc …
UBND quận Thanh Xuân xây dựng Kế hoạch tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau dịch bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Học sinh các trường mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) được quay trở lại trường học tập sau thời gian phải nghỉ học do dịch bệnh COVID-19.
2. Triển khai các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh và CB, GV, NV nhà trường khi đi học trở lại theo đúng các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Thành phố và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.
3. Kết hợp các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình với dạy học trực tiếp để đảm bảo ngày 10/7/2020 hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II, ngày 14/7/2020 kết thúc năm học 2019-2020.
II. NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác phòng, chống dịch bệnh
- Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ phòng chống dịch: Phòng cách ly; máy đo thân nhiệt (đảm bảo đủ 01 máy/lớp), khẩu trang; CloraminB, dung dịch sát khuẩn tay, xà phòng rửa tay, … (có kế hoạch tiếp tục trang bị thêm theo nhu cầu sử dụng); vòi nước rửa tay (lắp đặt thêm ở các vị trí phù hợp để giãn khoảng cách học sinh khi sử dụng);
- Chuẩn bị đủ nước uống hợp vệ sinh; mỗi học sinh có 01 cốc (hoặc bình) uống nước riêng được vệ sinh hàng ngày;
- Tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi học sinh quay trở lại trường 01 ngày. Hàng ngày (sau giờ học buổi chiều), thực hiện lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang, phương tiện đưa đón học sinh đảm bảo trường lớp sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát;
- CB, GV, NV và HS đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế thì tuyệt đối không được đến trường. Nếu CB, GV, NV và HS có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị;
- 100% CB, GV, NV và HS thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên đường và tại trường học;
- Đảm bảo giãn cách trong và ngoài lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, … theo đúng quy định.
2. Tổ chức dạy học tại trường
2.1. Thời gian bắt đầu đi học trở lại
- Cấp THCS: Bắt đầu đi học trở lại từ ngày 4/5/2020 (thứ Hai);
- Cấp TH và MN: Thực hiện theo chỉ đạo Thành phố.
2.2. Phương án tổ chức dạy học tại trường
2.2.1 Cấp MN: Chia lớp thành 02 lớp nhỏ; phân công GV, NV phụ trách các lớp tại các phòng riêng biệt; tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ 02 buổi/ngày (tổ chức ăn bán trú): Tổ chức cho trẻ ra chơi, ăn, ngủ tại lớp; phân chia giờ ăn theo độ tuổi của trẻ.
2.2.2. Cấp TH và THCS: Tổ chức học 01 buổi/ngày (không tổ chức bán trú); sắp xếp lại danh sách lớp để đảm bảo giãn cách theo quy định, tổ chức học theo 02 ca (buổi sáng, buổi chiều) để giãn sĩ số học sinh.
- Cấp TH: Chia lớp thành 02 - 03 lớp nhỏ; học 05 buổi/tuần, trong đó:
+ 03 buổi học tại trường (theo lớp đã chia tách, học các buổi sáng và buổi chiều trong tuần);
+ 02 buổi học trực tuyến (cả lớp).
- Cấp THCS: Chia lớp thành 02 - 03 lớp nhỏ; học 06 buổi/tuần (kết hợp học tại trường và trực tuyến), riêng đối với lớp 9: học 07 buổi/tuần - thêm buổi sáng chủ nhật. Nếu học sinh học ca sáng thì buổi chiều sẽ cho học sinh học trực tuyến cả lớp và ngược lại để giảm số tiết dạy của giáo viên.
Tùy theo điều kiện thực tế, UBND quận giao quyền chủ động cho Hiệu trưởng các trường xếp thời khóa biểu (dạy học trên lớp và trực tuyến), bố trí ca học từng khối lớp, sắp xếp phòng học, chọn môn học để dạy học trực tuyến cho phù hợp. Khuyến khích tổ chức dạy trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp các môn: Tin, Nhạc, Họa, Thể dục, Giáo dục công dân, Địa lý, … để giải quyết khó khăn thiếu giáo viên.
* Nghiên cứu các văn bản của Bộ GD&ĐT về tinh giản chương trình, điều chỉnh cơ số điểm các khối lớp để tổ chức thực hiện.
2.3. Tổ chức đón, trả học sinh
- Các trường trên cùng địa bàn phường bố trí giờ đến trường và tan học lệch nhau để tránh ách tắc giao thông khu vực gần cổng trường:
+ Giờ vào học buổi sáng: cấp THCS: 07h30’, cấp TH: 07h45’, cấp MN: 08h00;
+ Giờ tan học buổi chiều: cấp THCS: 17h00’, cấp TH: Từ 16h15’ - đến 16h45’, cấp MN: từ 16h00.
- Bố trí GV, NV đón, trả học sinh tại cổng trường; tuyệt đối không để PHHS, người không có nhiệm vụ vào trong trường (Trong điều kiện giao thông khó khăn, các trường có thể tạo ngăn cách “mềm” trong sân trường để đón, trả học sinh).
- Đo thân nhiệt học sinh 02 lần/buổi học:
+ Lần 1: Đầu giờ (tại cổng trường). Nếu trời mưa, tổ chức đo thân nhiệt tại các hành lang đi lên khu phòng học;
+ Lần 2: Giữa buổi học.
(Phương án xử trí các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học: Thực hiện theo phụ lục gửi kèm).
- Tổ chức cho học sinh xếp hàng đi ra cổng trường để ra về. Yêu cầu PHHS đón con em đúng giờ, hạn chế để học sinh ở lại trường sau giờ tan học.
2.4. Các hoạt động tập thể
- Không tổ chức chào cờ tập trung tại sân trường (thực hiện chào cờ trong mỗi lớp học - lưu ý chuẩn bị cờ Tổ quốc đúng quy định); không tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài phạm vi nhà trường; giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi;
- Bố trí khung giờ ra chơi lệch nhau giữa các khối lớp để hạn chế lượng học sinh trên sân trường và hành lang các lớp học:
+ Bố trí 02 lần ra chơi/buổi học (10 phút/lần): Luân phiên các khối lớp ra chơi tại sân trường hoặc chơi tại lớp;
+ Chia khu vực sân chơi theo khối lớp (đối với các trường có khuôn viên rộng): sân trước, sân sau, nhà thể chất.
2.5. Phối hợp với CMHS
- Tổ chức họp CMHS (hình thức trực tuyến) để thông báo kế hoạch dạy học của cấp học (lịch học, thời khóa biểu; việc đón, trả học sinh;…) và thống nhất các giải pháp thực hiện để đảm bảo an toàn cho học sinh;
- Theo dõi sức khỏe, thân nhiệt của học sinh hàng ngày trước khi đến trường; nếu học sinh có biểu hiện mệt mỏi, đề nghị CMHS cho con ở nhà để chăm sóc, theo dõi;
- Chuẩn bị một số đồ dùng cho học sinh như: khẩu trang, bình uống nước cá nhân; …; rèn thói quen đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng đúng cách;
- Rà soát, tổng hợp báo cáo kịp thời các trường hợp đến, đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mắc dịch bệnh; thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly của cơ quan y tế địa phương.
3. Nội dung dạy học Học kỳ II
- Khi học sinh đi học trở lại, các trường dành thời lượng các tiết học đầu tiên để tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; dành các buổi học đầu tiên để ôn tập kiến thức, kiểm tra, phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp;
- Rà soát các phương án dạy học theo kế hoạch đã xây dựng; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT;
- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và cuối học kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh. Đối chiếu, so sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức;
- Cấp TH: Chú trọng việc hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh lớp 5; đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học;
- Cấp THCS: Chú trọng việc hoàn thành chương trình THCS và tổ chức ôn luyện cho học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 đạt kết quả cao. Trên cơ sở chuyên đề phòng GD&ĐT tổ chức, các trường triển khai ôn tập các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9;
- Trường THCS Thanh Xuân: Rà soát, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, đảm bảo học sinh được học đầy đủ chương trình, nội dung kiến thức theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình hệ chất lượng cao, hệ Cambridge; đảm bảo việc thực hiện các cam kết về chất lượng giáo dục theo chương trình quy định đã được nhà trường công khai với CMHS từ đầu năm học.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Là đơn vị thường trực tham mưu UBND quận công tác chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh đi học trở lại đảm bảo an toàn, hiệu quả;
- Hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT; tổ chức dạy học theo từng khối lớp và nhóm học sinh để giãn cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị; đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Thẩm định và kiểm tra phương án tổ chức dạy học của các trường;
- Tổng hợp danh sách học sinh không tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ học ở trường do dịch bệnh; hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức để các em nhanh chóng theo kịp tiến độ học tập chung của lớp;
- Chủ trì, phối hợp với phòng Nội vụ, phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định số tiết dạy vượt quá quy định của giáo viên; tham mưu UBND quận cấp kinh phí bổ sung cho các trường.
2. Phòng Nội vụ: Phối hợp với phòng GD&ĐT rà soát, thẩm định số tiết dạy vượt quá quy định của giáo viên; phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND quận cấp kinh phí bổ sung cho các trường.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Tham mưu UBND quận cấp kinh phí bổ sung cho các trường để chi trả lương thừa giờ của giáo viên;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc chi trả lương thừa giờ cho giáo viên của các trường; hướng dẫn các trường mầm non rà soát kinh phí thanh toán cho giáo viên hợp đồng.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin
- Phối hợp với phòng GD&ĐT, UBND 11 phường; hướng dẫn các trường làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân và CMHS về công tác phòng, chống dịch bệnh;
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận về công tác phòng chống dịch bệnh và việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại của các trường thuộc quận.
5. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế
- Hướng dẫn các trường thực hiện tốt công tác chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học;
- Trung tâm Y tế: Triển khai kịch bản phòng, chống dịch khi học sinh quay trở lại trường. Hướng dẫn các trạm y tế phường kiểm tra máy đo thân nhiệt của các trường; cử cán bộ hỗ trợ các trường về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn đầu học sinh đi học trở lại.
6. Công an quận
- Xây dựng kế hoạch phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các tuyến, các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm để tránh tập trung đông người khi học sinh đi học trở lại;
- Hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn về người và tài sản trong các trường học; có biện pháp yêu cầu khắc phục ngay đối với các tồn tại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các trường học và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
7. Ủy ban nhân dân 11 phường
- Phối hợp với các trường trong công tác tuyên truyền, vận động CMHS, học sinh đảm bảo an ninh trường học; thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại;
- Tăng cường quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn; kiên quyết xử lý, dừng hoạt động đối với các đơn vị không đủ điều kiện về phòng, chống dịch.
8. Các trường học thuộc quận
- Xây dựng kế hoạch giáo dục của đơn vị, chia lớp thành các lớp nhỏ để đảm bảo đúng quy định về giãn cách; sắp xếp phòng học, thời khóa biểu; chia ca học (các lớp cùng một khối học cùng ca); phân công nhiệm vụ CB, GV, NV; tổ chức dạy học tại trường kết hợp với dạy học trên Internet, dạy học trên truyền hình để đảm bảo ngày 10/7/2020 hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II, ngày 14/7/2020 kết thúc năm học;
- Điều chỉnh kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp theo đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tinh giản chương trình và giảm số đầu điểm kiểm tra theo từng môn học;
- Tập huấn cho CB, GV, NV nhà trường quy trình phòng, chống dịch bệnh để thực hiện và hướng dẫn học sinh khi trở lại trường học;
- Sắp xếp chỗ ngồi giữa 2 học sinh hợp lý, đúng quy định. Theo dõi và thường xuyên nhắc nhở HS và CB, GV, NV nhà trường đảm bảo giãn cách trong và ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định; đeo khẩu trang đúng cách; thưởng xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định; kịp thời báo cáo BGH nếu phát hiện có HS và CB, GV, NV nhà trường có biểu hiện không bình thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý. Bố trí giờ ra chơi, giờ tan học lệch nhau để tránh ách tắc giao thông khu vực gần cổng trường;
- Kiểm tra, rà soát thường xuyên CSVC phục vụ phòng, chống dịch bệnh; kịp thời bổ sung để đáp ứng yêu cầu sử dụng. Trong thời gian học sinh đi học trở lại, điều kiện thời tiết mùa hè nóng bức, các trường cần rà soát kỹ CSVC (đặc biệt là hệ thống điện, điều hòa, quát mát, quạt thông gió, …) để đảm bảo điều kiện dạy học tốt nhất cho thầy và trò;
- Rà soát, tổng hợp kinh phí trả lương thừa giờ cho giáo viên (các trường TH, THCS); rà soát kinh phí thanh toán cho giáo viên hợp đồng (các trường MN); báo cáo và đề xuất UBND quận cấp kinh phí bổ sung (nếu cần).
Trên đây là Kế hoạch “Tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau dịch bệnh COVID-19”. UBND quận yêu cầu các đơn vị liên quan và các nhà trường nghiêm túc thực hiện. Các trường gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo đề xuất UBND quận phương án giải quyết, khắc phục./.
Nơi nhận:
- Sở GD&ĐT Hà Nội;
- Đ/c Chủ tịch UBND quận;
- Các phòng, ban, đơn vị liên quan;
- Các trường MN, TH, THCS thuộc quận;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Mai Trang
|